Bài 2: Gian nan tìm giải pháp
(BLC) - Trước thực trạng lợn chết nhiều ảnh hưởng đến đời sống người dân và việc chăn nuôi trên địa bàn, UBND huyện Phong Thổ đã khẩn trương chỉ...
Bài 1: Người chăn nuôi “khóc ròng”
Chung tay vào cuộc
UBND huyện Phong Thổ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND các xã, thị trấn lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn các hộ có lợn bị bệnh cách tiêu hủy đúng quy trình. Thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng có dịch đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.
Thực hiện cấp phát hóa chất sát trùng và vôi bột cho các xã để tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, đã cấp 2.083 lít hóa chất, 410kg vôi bột, để phục vụ công tác tiêu hủy, phun sát khuẩn phòng, chống dịch. Cấp phát 150 tờ rơi hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, 220 tờ rơi hướng dẫn tiêu hủy lợn bị bệnh... Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và quản lý đàn.
Công chức địa chính nông nghiệp thị trấn Phong Thổ (thứ nhất từ phải sang) hướng dẫn người dân thôn Thống Nhất cách khử trùng quanh khu vực tiêu hủy lợn đã chết.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn khoanh vùng, giám sát dịch bệnh. Đối với các địa bàn công bố dịch, chúng tôi thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch đó là không đưa lợn trong vùng dịch ra ngoài, không nhập đàn mới vào, vận động người dân làm tốt công tác tiêu độc khử trùng, không để vi rút phát tán ra khu vực khác, thường xuyên báo cáo với cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn nắm tình hình giám sát dịch bệnh” - Đồng chí Trần Bảo Trung - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ nhấn mạnh.
Huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò, lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn tại các chợ. Tăng cường hoạt động của đội kiểm tra lưu động liên ngành về lĩnh vực chăn nuôi thú y, kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn huyện.
Anh Đồng Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Thổ chia sẻ: Sau khi tiến hành lấy mẫu lợn chết gửi đi xét nghiệm, có kết quả dương tính dịch tả lợn Châu Phi, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn bản kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi lợn và yêu cầu các hộ chăn nuôi khi có lợn chết phải báo UBND thị trấn. Cử cán bộ chuyên môn cùng trưởng thôn, bản hướng dẫn người dân cách tiêu hủy lợn theo quy định, không để dịch bệnh lây lan. Tiến hành cấp phát 165 lít hóa chất sát trùng, hàng trăm kilôgam vôi bột cho các thôn, bản để tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn đặc biệt là vận chuyển thịt lợn vào chợ thị trấn Phong Thổ”.
Đến thời điểm này, người dân trong huyện dần nâng cao ý thức, chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cơ bản được kiểm soát. Riêng xã Sì Lở Lầu đã qua 21 ngày công bố dịch chưa có lợn phát sinh chết mới. Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện còn gần 25.000 con.
Giải pháp thời gian tới
Phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng là tiềm năng, lợi thế của huyện Phong Thổ giúp người dân có thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Trong định hướng phát triển thời gian tới, huyện xác định chăn nuôi vẫn rất quan trọng, cần được phát triển các mô hình tập trung, hình thành trang trại chăn nuôi có quy mô lớn (đặc biệt là chăn nuôi lợn). Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh càng trở nên cấp thiết và cần phải thực hiện lâu dài, hiệu quả.
Ông Nông Minh Cẩu ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ) cố gắng chăm sóc số lợn con còn lại sau khi lợn mẹ chết.
“Hiện, chúng tôi có giải pháp với những vùng an toàn sẽ thí điểm tiêm vắcxin và đối với một số dự án tới đây mà các xã triển khai hỗ trợ cho người dân nhất là hỗ trợ lợn sinh sản thì chúng tôi yêu cầu phải kiểm soát tốt đầu vào của các con vật sạch bệnh. Khi lợn sinh sản ra thì sẽ cho tiêm phòng, tiến tới xóa bỏ bệnh dịch tả lợn Châu Phi” - Đồng chí Trần Bảo Trung cho biết thêm.
UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ, điểm buôn bán, giết mổ bằng vôi bột, hóa chất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để động vật và các sản phẩm của động vật chưa rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch đi vào địa bàn huyện.
Cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả người dân cũng cần theo dõi, giám sát đàn gia súc, nếu phát hiện vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh, gia súc chết không rõ nguyên nhân thì báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y địa phương lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh, hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời. Trước mắt, người dân có thể xem xét việc chuyển từ chăn nuôi lợn sang nuôi các loại vật nuôi có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn ngày như: gà, vịt, ngan…
Khi dịch bệnh ổn định, người dân có thể tái đàn lợn đối với những nơi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành song cũng cần lưu ý phun thuốc sát trùng toàn bộ hệ thống chuồng trại và xung quanh trang trại trước khi tái đàn. Các cơ sở, người dân từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, lấy mẫu để xét nghiệm virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Nếu xét nghiệm có kết quả âm tính với ASF mới được tái đàn 100% tổng đàn.
Hy vọng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện Phong Thổ sẽ ngăn chặn thành công tiến đến xóa bỏ hẳn bệnh dịch tả lợn Châu Phi ra khỏi địa bàn. Từ đó, thực hiện thắng lợi mục tiêu duy trì tốc độ tăng đàn gia súc bình quân 5%/năm; chung tay nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện lên 45 triệu đồng/năm và đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025, tiến tới xây dựng huyện từng bước phát triển bền vững theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn