Mr. AnvH

Nông dân Phong Thổ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ hai - 16/10/2023 12:02

(BLC) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh...

Nông dân Phong Thổ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Nông dân Phong Thổ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Nông dân Phong Thổ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Lù A Sỹ ở bản Thèn Thầu (xã Bản Lang) - là một trong những tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế trên địa bàn xã khi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi bài bản và là người đầu tiên ở bản mua máy xúc để kinh doanh. Anh Sỹ chia sẻ: “Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Tài sản khi lấy vợ mà bố mẹ cho chỉ vẻn vẹn có 2 sào ruộng nên không đủ trang trải cuộc sống. Không cam chịu đói nghèo, năm 2007, tôi mạnh dạn vay các ngân hàng trên địa bàn 25 triệu đồng để mua nghé về nuôi. Nhận thấy nuôi trâu vỗ béo mang lại giá trị kinh tế hơn và cũng giảm thời gian nuôi nên từ 2017 đến nay tôi mua trâu ở các xã, bản trên địa bàn huyện về nuôi vỗ béo cũng như bán cho các thương lái tại các lò mổ trên địa bàn tỉnh và bán cho người dân trong xã, bản khi có nhu cầu. Hiện gia đình đang có khoảng 20 con trâu”.

Đến năm 2017, vay mượn tiền anh em và cùng số vốn sẵn có của gia đình, anh Sỹ mua máy xúc về để kinh doanh; nuôi thêm 400 con vịt siêu trứng, trung bình mỗi ngày xuất bán 200 quả trứng vịt; nuôi 200 con gà và đào 3.500m2 mặt nước để nuôi các loại cá giống.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên, bà con trong xã, bản; tạo việc làm ổn định cho 2 lao động tại chỗ với mức lương 50 triệu đồng/1 người/năm. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp mỗi năm trừ chi phí gia đình anh Sỹ thu nhập trên 200 triệu đồng và anh là hội viên Câu lạc bộ "Nông dân tỷ phú" huyện Phong Thổ.

ư

Hội Nông dân xã Bản Lang thăm mô hình kinh tế điển hình của anh Lù A Sỹ (bên trái) tại bản Thèn Thầu.

Chia tay anh Sỹ, chúng tôi tới thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An (xã Mường So). Anh là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2021. Hiện anh Dũng đang phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Anh Dũng chia sẻ: Với quyết tâm làm giàu tôi đã tận dụng diện tích đất bỏ hoang của gia đình cải tạo để trồng gần 400 cây mít thái, mít ruột đỏ, xoài và xây dựng chuồng nuôi khoảng 20 con trâu, bò. Tôi tích cực học cách trồng, chăm sóc cây ăn quả và gia súc trên các phương tiện thông tin đại chúng từ đó chắt lọc và áp dụng vào thực tế của gia đình. Gia đình tôi còn làm thêm thịt sấy, lạp sườn để bán sỉ, lẻ. Nhờ đó, hàng năm trừ chi phí thu nhập từ 700-800 triệu đồng/năm. Gia đình tôi cũng đang tạo việc làm cho 4 lao động trên địa bàn”.

Đó chỉ là 2 trong hàng trăm hộ SXKD giỏi trên địa bàn huyện Phong Thổ. Ông Hà Mạnh Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: “Hiện, Hội Nông dân huyện có 12.649 hội viên sinh hoạt ở 17 cơ sở hội, 173 chi hội. Thực hiện phong trào, Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tương trợ giúp nhau về vốn, vật tư, cây con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế hộ gia đình. Phát huy được thế mạnh từng vùng, từng khu vực, khai thác thế mạnh vùng đồi núi kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi với kinh tế vườn rừng góp phần sử dụng có hiệu quả đất đai, lao động, vốn, mở rộng quy mô theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng hiệu quả hơn. Vận động, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ SXKD giỏi các cấp, cuối năm tổ chức bình xét công khai, minh bạch”.

a

Trồng, chăm sóc mít đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An (xã Mường So). Nhờ đó, anh Dũng là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2021.

Thông qua các chương trình, chính sách, Quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, huyện triển khai các mô hình chăn nuôi, dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa và hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Ký ủy thác với ngân hàng để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn đầu tư các mô hình kinh tế. Phối hợp với các phòng chuyên môn huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề, tư vấn học nghề, việc làm cho hội viên. Từ đó, từng bước hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân có “cần câu” để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

5 năm qua, Hội Nông dân huyện đã mở 184 lớp dạy nghề cho 4.465 học viên. Ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.950 hộ với 73 tổ vay vốn và tiết kiệm để phát triển kinh tế với dư nợ gần 152 tỷ đồng. Cùng với đó, hội viên, nông dân quyên góp, tương trợ, giúp đỡ được hơn 1,6 tỷ đồng tiền vốn; 9.730 ngày công; 472 triệu đồng cây, con giống, vật tư.

Ông Hà Mạnh Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhấn mạnh: Thông qua thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân, hợp tác xã điển hình trong phát triển kinh tế với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng như: Hợp tác xã (HTX) Trái tim Sin Suối Hồ, cá nhân anh Hảng A Xà, Giàng A Khá (xã Sin Suối Hồ); HTX Xuân Oanh (thị trấn Phong Thổ); anh Nguyễn Tiến Dũng (xã Mường So); anh Lù A Sỹ (xã Bản Lang)… Đến nay, toàn huyện có 715 hộ đạt SXKD giỏi các cấp (tăng 35 hộ so với năm 2019); trên địa bàn đã xây dựng thương hiệu và hình thành được 20 sản phẩm OCOP. Các hội viên, nông dân đã giúp đỡ 682 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và tạo việc làm tại chỗ cho 967 lao động. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 4,5%; phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 45 triệu đồng/năm; chất lượng cuộc sống được cải thiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây