Trồng dưa chuột bao tử theo hướng liên kết
Nhằm giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu suất sử dụng đất, vừa qua, bản Hô Ta (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) triển...
Chia sẻ với chúng tôi về lý do lựa chọn cây dưa chuột bao tử vào sản xuất liên kết, anh Hoàng Văn May - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hô Ta cho biết: Trước đây, đời sống của dân bản chỉ phụ thuộc vào mấy trăm héc-ta chè và hơn 60ha lúa 2 vụ. Dù “một nắng hai sương”, cũng chỉ đủ ăn, một số diện tích cấy lúa đất đã cằn, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng. Năm 2022, khi UBND xã có chủ trương vận động nông dân trên địa bàn thực hiện các mô hình kinh tế và liên kết với các doanh nghiệp trồng bí xanh, ớt chỉ địa, dân bản Hô Ta đã tham gia trồng hơn 5ha và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm nay, khi doanh nghiệp đến khảo sát thấy bản có điều kiện thuận lợi để trồng cây dưa chuột bao tử nên đã phối hợp với Ban Quản lý bản vận động các hộ thực hiện. Tham gia mô hình có 23 hộ, với tổng diện tích gần 4ha; các hộ được Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C tạm ứng trước giống, phân bón, màng phủ (toàn bộ kinh phí vật tư nông nghiệp sẽ được trả dần số vật tư được tạm ứng trong 3 vụ dưa). Tham gia trồng dưa, các hộ chỉ cần đầu tư dây cáp, lưới, cọc, phân chuồng. Quá trình làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch… được công ty hỗ trợ kỹ thuật.
Nông dân bản Hô Ta (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) kiểm tra tình hình phát triển của cây dưa chuột bao tử.
Khi được Ban Quản lý bản tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây dưa chuột bao tử, gia đình anh Lò Văn Hặc ở bản Hô Ta mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa và thuê thêm đất để trồng dưa bao tử với tổng diện tích 1,7ha. Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng, từ năm ngoái gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng gần 5.000m2 bí xanh, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Do đó, khi bản triển khai trồng cây dưa bao tử anh cũng mạnh dạn tham gia. Sau thời gian trồng, cây dưa bao tử sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, hy vọng mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Còn với gia đình ông Lò Văn Bồm khi tham gia mô hình trồng dưa bao tử vừa giúp gia đình ông đa dạng hóa cây trồng, vừa nâng cao sử dụng đất trên một đơn vị diện tích mà còn mang lại nguồn thu nhập. Ông Bồm chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi tham gia trồng 1ha cây dưa chuột bao tử. Trước khi trồng dưa được cán bộ kỹ thuật công ty hướng dẫn làm đất, lên luống và tiến hành bón lót. Đồng thời, trải màng phủ nilon để hạn chế sâu bệnh hại và cỏ dại. Trong quá trình trồng dưa, gia đình tôi thường xuyên chăm bón, tưới nước và phòng bệnh cho cây. Khi cây dưa chuột leo đến đâu sẽ tiến hành buộc ngọn, nhánh vào giàn tới đó để quả dưa được tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời cho chất lượng quả tốt”.
Dưa chuột bao tử là cây trồng ngắn ngày, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương. Sau khi trồng khoảng 25 ngày tuổi, cây dưa chuột bao tử đâm nụ, ra hoa, kết trái. Thời gian thu hoạch một vụ kéo dài từ 90 ngày, sản lượng dưa bao tử ước đạt bình quân 6 tấn/sào, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 9 tấn/sào. Đặc biệt, khi cây dưa bao tử được thu hoạch, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm, với giá cố định là 7.000 đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí bà con thu lợi nhuận từ 30 - 48 triệu đồng/sào, cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa. Bà con mở rộng diện tích canh tác, công ty cam kết mua toàn bộ dưa bao tử thương phẩm. Khi gặp rủi ro trong sản xuất, công ty có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời yêu cầu các hộ sản xuất cam kết đồng hành với doanh nghiệp để hướng tới hiệu quả cao nhất.
Việc liên kết mô hình trồng dưa chuột bao tử tại bản Hô Ta tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây trồng mới vào sản xuất. Đồng thời, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, góp phần giúp nông dân có thêm sản phẩm hàng hóa để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn