Cần tăng tốc để “về đích”
Theo số liệu báo cáo 9 tháng năm 2023 của UBND tỉnh, giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt gần 40% kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Theo...
Theo thông tin từ ông Nguyễn Bá Nho - Trưởng Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thôn tỉnh, tổng kế hoạch vốn giao cho ban làm chủ đầu tư năm 2023 trên 120 tỷ đồng. Đến hết ngày 11/9, tiến độ giải ngân đạt trên 49% kế hoạch bố trí vốn. Như vậy, so với tỷ lệ trung bình chung về giải ngân vốn toàn tỉnh đạt tương đối cao. Kết quả đó nhờ đơn vị chủ động rà soát, hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với dự án đã được phân bổ chi tiết vốn năm 2023 và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, thu hồi tạm ứng đối với dự án chuyển tiếp; xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc. Các dự án đang triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch được duyệt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay do công tác giải phóng mặt bằng ở hầu hết các công trình, dự án đều vướng. Đối với Dự án kè chống sạt lở suối Pắc Pạ, xã Vàng San (huyện Mường Tè) phải tạm dừng giải ngân theo Văn bản số 624/STC-TCĐT, ngày 11/4/2023 của Sở Tài chính về việc dừng giải ngân vốn đầu tư nguồn thu xổ số kiến thiết năm 2023.
Đối với Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông được tỉnh giao làm chủ đầu tư các công trình giao thông quan trọng. Năm 2023, ban được giao 1 dự án khởi công mới, còn lại 3 dự án chuyển tiếp. Thời gian thực hiện các dự án ít nhất 2 năm trở lên, trong đó Dự án đường hành lang biên giới đoạn Phong Thổ (Lai Châu) - Bát Xát (Lào Cai) được chọn làm công trình gắn biển chào mừng 20 năm chia tách, thành lập tỉnh. Tính đến tháng 8/2023, công trình có khối lượng nghiệm thu đạt trên 59%, song giá trị giải ngân mới đạt 34,4% kế hoạch vốn. Còn đối với Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 (huyện Tân Uyên), tuy kết thúc vào năm 2024 nhưng đến nay, tiến độ giải ngân chỉ đạt trên 28%.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án nâng cấp đường tỉnh 133 (huyện Tân Uyên), phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Đánh giá tình hình giải ngân nguồn vốn do ban làm chủ đầu tư, ông Phùng Văn Nam - Phó Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết ngày 8/8/2023 của ban đạt trên 30% kế hoạch vốn giao, trong đó thanh toán khối lượng hoàn thành trên 80.800,835 triệu đồng. Giải ngân đạt thấp có nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất vẫn là vấn đề mặt bằng. Chỉ khi đáp ứng được yêu cầu này thì tiến độ giải ngân mới được thực hiện nhanh chóng và gấp rút.
Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh để đôn đốc các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai được quan tâm; đã thành lập các tổ công tác của tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng, được giao kế hoạch vốn lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 vẫn đạt thấp (39,4% kế hoạch vốn giao chi tiết) do vướng ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là điểm nghẽn dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm, giải ngân thấp. Các nguồn vốn: thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết chưa đảm bảo nên không có vốn giải ngân cho các dự án, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh. Nguồn cung vật liệu xây dựng (cát, đá....) ở một số địa bàn khan hiếm; giá nguyên vật liệu có thời điểm tăng cao, phát sinh thêm chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng cuối năm, phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp UBND tỉnh tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư quyết liệt vào cuộc; phân công, giao trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, chất lượng để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Đối với UBND các huyện, thành phố cần giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tập trung thực hiện quy trình, thủ tục đấu giá, thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn giải ngân cho các dự án theo quy định. Bổ sung kế hoạch vốn đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch giao.
Các sở, ban, ngành tỉnh cần theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp điều hành giá, chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần bình ổn giá, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn phát sinh liên quan đến quy trình cấp phép mỏ, khai thác tài nguyên (đá, cát, đất, sỏi,...) phục vụ thi công các dự án đầu tư công. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung máy móc thiết bị, nhân lực khẩn trương thi công, lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo tiến độ giải ngân của các dự án.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn