Mr. AnvH

Cây quế bén rễ bên dòng sông Nậm Mu

Thứ tư - 30/08/2023 03:59

(BLC) - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật...

Cây quế bén rễ bên dòng sông Nậm Mu
Cây quế bén rễ bên dòng sông Nậm Mu
Cây quế bén rễ bên dòng sông Nậm Mu

1

Lãnh đạo xã Pha Mu, huyện Than Uyên hướng dẫn bà con chăm sóc quế.

Trở lại xã Pha Mu khi thời tiết đang vào mùa mưa. Vùng đất nơi đây ngoài nổi tiếng bởi các điểm du lịch, dịch vụ homsetay, nuôi trồng thủy sản, nuôi ong lấy mật, cây ăn quả còn có những cánh rừng xanh tốt. Trên cung đường uốn lượn theo triền núi vào xã, ngồi sau xe máy của Chủ tịch UBND xã Pha Mu Hoàng Phi Hùng, anh chỉ cho tôi thấy nhiều rừng quế trồng cách đây vài năm nay đang phát triển tươi tốt. Đây là thành quả của hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng người dân trong việc biến diện tích đất nương trồng ngô, lúa kém hiệu quả và đất đồi bỏ hoang thành cây lâm nghiệp. Đặc biệt từ dự án trồng rừng thay thế bằng cây quế, sơn tra (nhà nước hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, người dân quản lý chăm sóc, thụ hưởng) được triển khai đã và đang mang lại nguồn sống mới cho người dân nơi đây. 

Xã Pha Mu có diện tích đất tự nhiên 11.952,53ha, trong đó: đất lâm nghiệp 6.313,2ha, đất chưa sử dụng 4.688,22ha. Toàn xã có 5 bản với 207 hộ, 1.096 nhân khẩu và có 2 dân tộc (Thái, Mông) cùng sinh sống. Nhân dân canh tác chủ yếu bằng nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 32%. Để tăng thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã họp bàn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa cây trồng mới vào canh tác; trong đó triển khai đưa cây quế vào trồng từ năm 2017.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trồng quế trên địa bàn, xã gặp không ít khó khăn, trong đó phải kể đến địa hình đồi núi phức tạp, cách xa trung tâm huyện, giao thông tại các địa điểm trồng quế khó khăn, mật độ dân cư phân bố không đồng đều. Trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp, chưa thấy lợi ích cây quế mang lại; chưa có kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế. Để chủ trương trồng quế mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể thường xuyên xuống các bản tuyên truyền, vận động bà con về lợi ích cây quế mang lại. Tham gia trồng quế người dân còn được hỗ trợ giống, kỹ thuật, sau này được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Sau nhiều buổi tuyên truyền và sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể xã; bằng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bà con đã hiểu, tích cực tham gia trồng cây quế. Ngoài ra, người dân cũng được tham gia hội thảo bàn về hiệu quả kinh tế ngay tại các xã khác trồng quế hay tiếp thu kiến thức qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng, chăm sóc quế.

Là hộ tiên phong trong công tác trồng quế đầu tiên của bản Chít, xã Pha Mu, năm 2018, anh Lò Văn Piềng đã chuyển đổi trồng 2ha cây quế. Thấy cây quế rất dễ trồng và chăm sóc, không sâu bệnh năm nay gia đình đăng ký trồng thêm 2ha. Hiện quế đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến 6 năm sẽ dần cho thu hoạch. Theo tìm hiểu của anh Piềng, cây quế cho hiệu quả kinh tế cao, cả thân, vỏ, lá, quả đều bán được. Khi quế được 6 năm tuổi, gia đình có thể tỉa cành, bóc vỏ bán cho thương lái thu mua; tùy vào năm tuổi của quế, độ dày của vỏ quế mà giá thu mua sẽ cao hay thấp. 1ha quế sau khoảng 20 năm thu 15-20 triệu đồng tương ứng 10 tấn thóc; trong khi thu 10 tấn thóc phải canh tác trên 10ha lúa nương hoặc 20ha sắn, hoặc ngô. Điều này sẽ giúp gia đình tăng thu nhập đáng kể. Tôi sẽ vận động người dân tích cực tham gia trồng quế để phát triển kinh tế.

Xác định đây là cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, ngay từ năm 2017 xã Pha Mu đã đưa vào trồng tại bản Pá Khôm với tổng diện tích 18ha. Nhận thấy cây quế rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên Đảng ủy xã đã đưa chỉ tiêu trồng mới rừng vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, các nghị quyết chuyên đề. Đến nay, toàn xã có 75,93ha cây quế, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,13%. Việc trồng quế không chỉ góp phần nâng cao được tỷ lệ che phủ rừng, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân các dân tộc địa phương, tiến tới góp phần phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn xã.

2

Nhân dân xã Pha Mu, huyện Than Uyên chăm sóc cây quế.

Giờ đây xuôi theo dòng sông Nậm Mu, lòng hồ Thủy điện Bbản Chát bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên, với màu xanh của rừng quế bạt ngàn. Từ những rừng quế xanh tốt sẽ là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Pha Mu tích cực chăm sóc diện tích cây quế đã trồng ngày càng phát triển. Đồng thời mở rộng thêm diện tích nhằm tạo việc làm, thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây