“Làn gió mới” cho sản xuất nông nghiệp
Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động, nhân dân xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) tích cực áp dụng cơ giới hóa. Đây được coi là “làn gió mới”,...
Ông Giàng A Sình - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, làm đất, thu hoạch nông sản. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hiện, nhiều hộ đầu tư máy cày bừa, tuốt lúa, tách hạt, bình phun thuốc trừ sâu bằng điện… Từ đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng và thu nhập”.
Xã Tả Lèng có 9 bản, 900 hộ dân, 99,77% dân tộc Mông, Dao; đời sống kinh tế, thu nhập của bà con chủ yếu từ nông nghiệp. Trước đây, các hộ dùng trâu kéo, cày bừa trong khâu làm đất và sức người gặt, đập lúa, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và cần nhiều nhân công lao động. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thông qua tín chấp với tổ chức hội; sự đổi mới trong tư duy, nhiều hộ chủ động đầu tư, thay đổi phương thức canh tác theo hướng bền vững.
Giờ đây, mùa nối mùa, đồng đất đều phủ màu xanh của lúa, cây màu. Thu hoạch đến đâu, bà con lại sử dụng máy cày, bừa làm đất để sản xuất vụ đông xuân, vụ hè thu. Trong chăn nuôi, các loại máy thái chuối, băm cỏ, tẽ ngô… cũng được sử dụng phổ biến.
Nông dân xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) sử dụng máy tuốt lúa thu hoạch vụ mùa.
Từ năm 2020 đến nay, thông qua các nguồn hỗ trợ, nhân dân trong xã được cấp trên 300 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó 50 máy cày, bừa, tuốt lúa và tách hạt. Với tổng diện tích 839,1ha cây lương thực, cho sản lượng 3.743 tấn/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 800kg/năm. Ngoài cây lúa, ngô, bà con còn tích cực mở rộng diện tích trồng chanh leo, mía và rau màu. Từ áp dụng cơ giới hóa đã tăng 20% năng suất cây trồng; giảm chi phí đầu vào 5 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công, truyền thống gần 7 triệu đồng/ha/vụ.
Đơn cử như gia đình anh Giàng A Chu ở bản Tả Lèng Lao Chải, thiếu tư liệu sản xuất thường làm đất, xuống giống các loại cây trồng muộn hơn các hộ dân trong bản. Quá trình sản xuất, chưa chú ý khâu chăm sóc, phòng bệnh, năng suất đạt thấp, vậy nên thuộc diện hộ nghèo của xã. 3 năm trở lại đây, được Nhà nước hỗ trợ máy cày bừa; anh chủ động tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật do các cấp hội nông dân tổ chức; đưa giống ngắn ngày vào gieo trồng nhằm thâm canh, tăng vụ trên cùng đơn vị diện tích. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ngày một khấm khá. Anh Chu chia sẻ: Nếu như trước đây, để hoàn thành toàn bộ diện tích ruộng, tôi phải sử dụng trâu cày tới 30 ngày công, có máy móc hỗ trợ chỉ cần 5 ngày. Không những vậy, đất được làm sớm, bừa kỹ nên dễ dàng trồng, cấy. Năng suất cây trồng tăng, nhiều nguồn thu, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Cơ giới hóa sản xuất không chỉ giúp nông dân đảm bảo khung, lịch thời vụ, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch nông sản. Từ đó, đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ, tạo tiền đề quan trọng cho nông nghiệp Tả Lèng khởi sắc.
Với nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có sự giúp sức rất lớn từ áp dụng cơ giới hóa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã từ 5 - 6%/năm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn