Lùng Thàng phát triển chăn nuôi
(BLC) - Xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) là một trong những địa phương có nhiều thay đổi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiều mô hình khởi...
Xã Lùng Thàng có diện tích 8.107,3ha, 750 hộ với trên 3.797 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc, trong đó chủ yếu là: Thái, Lự, Mông, Dao... cùng sinh sống. Ông Phàn A Ly - Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: Năm 2022, người dân trong xã gieo trồng gần 500ha cây lương thực; chăn nuôi được 15.000 con gia súc, gia cầm; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 35 tấn. Xã tập trung khuyến khích các mô hình chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý chăn nuôi như: kiểm tra thức ăn, giám sát sức khỏe và quản lý chất thải. Nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất chăn nuôi để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đoàn viên, thanh niên bản Nậm Bó, xã Lùng Thàng chăm sóc đàn gia súc.
Mặt khác, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng hoạt động chăn nuôi, mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,93%, hộ cận nghèo còn 11,46%.
Trong bối cảnh nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Sìn Hồ đang phải đối diện với tình trạng khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm ổn định tại quê nhà, Đoàn Thanh niên xã Lùng Thàng nhanh chóng triển khai mô hình thanh niên khởi nghiệp từ chăn nuôi, qua đó định hướng nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã khởi nghiệp tại lĩnh vực này.
Ban đầu, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã chỉ có kiến thức cơ bản về chăn nuôi tích lũy được trong quá trình gia đình làm nông nghiệp. Tuy nhiên, họ tự học hỏi, nghiên cứu, đồng thời thông qua các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt đã giúp bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích cho thanh niên tham gia khởi nghiệp.
Theo anh Lý A Giang - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lùng Thàng: "Chính quyền và các hội đoàn thể xã rất quan tâm đến việc phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả để giúp đoàn viên nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho đoàn viên để áp dụng các phương pháp chăn nuôi tiên tiến và hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, thu nhập từ chăn nuôi.
Khởi nghiệp từ chăn nuôi còn giúp thanh niên trên địa bàn xã Lùng Thàng có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức kinh doanh, được trang bị kỹ năng quản lý và thực hành nghề nghiệp. Đồng thời, việc thành lập các hợp tác xã chăn nuôi hiện nay góp một phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con, đặc biệt mở rộng được quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung hiện đại, có chiến lược dài hạn. Hiện, trên địa bàn xã xuất hiện các mô hình kinh tế, gương thanh niên làm kinh tế tiêu biểu, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đoàn viên Khoàng Văn Cường, xã Lùng Thàng chia sẻ: Nhờ được tham gia đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; từ năm 2018, tôi bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi trâu với quy mô ban đầu là 5 con trâu. Đến nay, trang trại của tôi phát triển lên đến 30 con trâu và là nguồn cung cấp con giống, thịt cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Anh Cường cho biết: "Mô hình chăn nuôi trâu mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi. Mỗi năm, trừ chi phí thu về 80 triệu đồng từ bán thịt và con giống".
Thời gian tới, xã Lùng Thàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, phát huy tinh thần sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, qua đó định hướng, giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác giữa chính quyền và người dân, góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn