Mù Cả giảm nghèo
(BLC) - Để giảm nghèo đạt hiệu quả, xã Mù Cả (huyện Mường Tè) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù...
Xã vùng cao, biên giới Mù Cả là nơi sinh sống của gần 770 hộ, với 2.915 nhân khẩu; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tập quán canh tác, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún; trình độ dân trí không đồng đều, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên các mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, cây ăn quả chưa phát huy hết hiệu quả.
Xã tranh thủ các nguồn lực đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện thông qua các chương trình, dự án thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao.
Hàng năm, xã ban hành các nghị quyết; thành lập Ban Chỉ đạo và phân công các thành viên thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo tại các bản. Hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp với đặc điểm và thói quen chăn nuôi, trồng trọt của các hộ nghèo. Nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả để tạo thêm việc làm cho người lao động. Lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, các tổ chức hội, đoàn thể xã đứng ra nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện hơn 15 tỷ đồng, cho 360 hộ vay. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; lồng ghép các nguồn vốn tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất.
Người dân xã Mù Cả (huyện Mường Tè) đầu tư chăn nuôi lợn đen để nâng cao thu nhập.
Mù Cả là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện Mường Tè với 38,404,34ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 77,92%. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân càng nâng cao ý thức giữ rừng và bảo vệ, chăm sóc tốt rừng được giao khoán. Đầu tháng 5 vừa qua, các hộ của xã được nhận hơn 4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022, trung bình mỗi hộ được nhận 40 triệu đồng. Từ đó, giúp người dân có thêm vốn để đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương... Đến nay, xã Mù Cả có gần 200ha lúa, hơn 100ha ngô, 25ha rau màu, hơn 13ha cây ăn quả. Ngoài ra, có 1.550 con gia súc và 3.950 con gia cầm các loại.
Nhiều năm trước, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Phùng Uý De (bản Mù Cả) chủ yếu phụ thuộc vào lúa, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, gia đình chị chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chị vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi lợn đen, cung cấp giống và thịt cho người dân trong xã với số lượng ngày càng nhiều.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị được cán bộ chuyên môn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, cách phòng dịch rồi về áp dụng thực tế vào mô hình của gia đình. Nhờ vậy, đàn lợn sinh trưởng và phát triển, ít dịch bệnh, đến nay có 25 con lợn đen, trong đó duy trì nuôi 5 con nái. Trung bình mỗi năm được xuất 2 lứa lợn giống, 2 lứa lợn thịt mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Chị De chia sẻ: “Từ chăn nuôi giờ đây cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện hơn so với trước, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần thúc đẩy kinh tế của bản phát triển”.
Anh Lỳ Gò Xè - Phó Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: “Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng, đến năm 2025, xã phấn đấu nâng mức thu nhập lên hơn 30 triệu đồng/người/năm. Để đạt được mục tiêu trên, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Các hội, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn