Nâng cao đời sống nhờ chuyển đổi nông nghiệp bền vững
(BLC) - Xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) có 753 hộ, 3.815 nhân khẩu, 10 dân tộc cùng sinh sống. Việc nâng cao đời sống người dân nhờ chuyển đổi nông...
Cán bộ Địa chính nông nghiệp xã Lùng Thàng hướng dẫn người dân chăm sóc cây quế.
Lùng Thàng là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, cách thành phố Lai Châu 42km. Xã có diện tích 81,27km², được thành lập vào năm 2011 trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và nhân khẩu của xã Ma Quai. Lùng Thàng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Người dân bản Nậm Bó, xã Lùng Thàng phun thuốc khử trùng chuồng trại.
Người dân nơi đây tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Chính quyền xã thực hiện tốt các chương trình của Chính phủ để hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế thông qua các mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,97% năm 2022.
Tại xã Lùng Thàng, nông nghiệp bền vững được chính quyền các cấp quan tâm và định hướng từ năm 2017, theo hướng hiện đại, an toàn, thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm nước và phân bón, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Chú trọng đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của bà con trong xã. Đến nay, trên địa bàn xã có 10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn...
Theo ông Tao Văn Nọi - Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng việc xã thực hiện chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã giúp Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền xã phối hợp với các phòng, ban của huyện triển khai các chương trình phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, gia đình chính sách như: hỗ trợ trồng quế, giống vật nuôi... Qua đó, mức sống của Nhân dân đã được cải thiện.
Để chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại địa phương diễn ra hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng các chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất đến tiêu thụ. Cần có các chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, giáo dục và đào tạo cho người dân, sự tham gia tích cực của các hợp tác xã kiểu mới, các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo tiêu chuẩn. Những giải pháp được xã Lùng Thàng áp dụng để chuyển đổi nông nghiệp bền vững hiện nay có thể kể đến như: xây dựng các quy hoạch và chính sách thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bền vững, như hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tiếp cận thị trường, khuyến khích sản xuất theo chuẩn hữu cơ, xanh.
Tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp xã giai đoạn 2021-2025. Với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, phát triển sản phẩm theo lợi thế vùng, từng bước phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương được triển khai thuận lợi.
Cũng như nhiều hộ dân tại xã Lùng Thàng gia đình anh Tao Văn Hung, ở bản Can Hồ, từ đầu năm 2019 đã tham gia trồng cây quế theo mô hình chuyển đổi nông nghiệp bền vững, trong quá trình trồng, chăm sóc gia đình anh thường xuyên được chính quyền các cấp hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, vườn quế của gia đình anh đã có đủ điều kiện khai thác.
Là địa phương có nhiều tiềm năng, qua thực hiện nông nghiệp bền vững sẽ mang lại những lợi ích lớn cho đời sống người dân như: tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Sìn Hồ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn