Nông dân Tân Uyên vượt khó làm giàu
Mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch bệnh, giá cả thị trường các mặt hàng nông sản không ổn định, chi phí thức ăn chăn nuôi và phân bón đều đắt...
Chè là cây trồng chủ lực của huyện Tân Uyên từ nhiều năm nay. Nhưng mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá chè búp tươi bị giảm mạnh, có thời điểm xuống còn 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg, trong khi đó giá phân bón tăng cao. Kéo theo thu nhập của các hộ dân giảm. Trước tình hình đó, bà con tìm tòi sáng tạo, học hỏi những phương pháp kỹ thuật mới để tăng sản lượng của cây chè, giảm chi phí đầu tư, chăm sóc.
Ông Phạm Văn Lâm (ở tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên) chia sẻ: Gia đình tôi có 13ha chè, mỗi năm thu hoạch được khoảng 300 tấn chè. Sản lượng chưa cao trong khi chi phí đầu vào nhiều, nhất là phân bón. Vì vậy, năm nay, vợ chồng tôi thực hiện thâm canh chè bằng việc tăng bón phân gà, giảm lượng phân hoá học. Phân gà bón cho chè rất tốt. Qua lứa đầu cho thấy búp chè lên nhiều, to đều. Lúc chăm bón, nếu chè bị sâu bệnh, gia đình tôi phun thuốc bảo vệ thực vật; dùng máy để phun, vừa giảm được số công lao động, lại không hại sức khoẻ tới con người. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu được 2 tỷ đồng từ bán chè và thu mua chè của bà con để bán lại cho doanh nghiệp. Dự kiến năm nay sản lượng chè của gia đình đạt từ 350-370 tấn, thu nhập sẽ tăng cao hơn.
Được biết hiện nay, diện tích chè do hội viên nông dân huyện chăm sóc là 3.368ha, trong đó, 3.050ha chè kinh doanh. Sản lượng chè búp tươi đạt 1.250 tấn, tăng 50 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Tận dụng diện tích chè này, nông dân trên địa bàn chủ động trồng xen canh hơn 938ha cây mắc-ca để nâng cao thu nhập.
Cùng với việc chú trọng thâm canh, sản xuất chè, nông dân Tân Uyên tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường. Đặc biệt là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, dưa leo, cà chua socola, ớt, bí xanh, chuối, chanh leo... được các hộ triển khai mở rộng diện tích. Đồng thời, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất: sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt; tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, phân vi sinh bón cho cây; đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đảm bảo đầu ra ổn định.
Cán hộ Hội Nông dân huyện Tân Uyên thăm và kiểm tra vườn chè của hội viên.
Trong chăn nuôi, các hội viên đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường gắn với phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Mặt khác, các hộ chủ động nguồn thức ăn, nhất là thức ăn xanh có sẵn tại địa phương để giảm chi phí mua cám công nghiệp đắt. Khi nắm vững được kỹ thuật nuôi thuỷ sản, nhiều hội viên chủ động tăng lượng đàn nuôi, đa dạng các loài và nuôi theo hình thức gối vụ để có cá đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến thời điểm này, hội viên nông dân toàn huyện phát triển đàn vật nuôi được 297.246 con, tăng 12.854 con so với cùng kỳ năm 2022; chăm sóc 152 lồng cá trên lòng hồ Thuỷ điện Bản Chát, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 133ha. Gieo trồng 1.757ha cây lương thực vụ đông xuân, hàng trăm héc-ta cây rau màu các loại (dưa leo, cà chua, bí xanh, ớt), 658ha cây ăn quả…
Đồng chí Đỗ Đình Cường - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Uyên cho biết: Hội Nông dân huyện có 9.559 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội cơ sở. Để tạo điều kiện cho hội viên vươn lên làm giàu, hàng năm, Hội phối hợp với các phòng chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ hội viên về khoa học kỹ thuật. Hỗ trợ vốn sản xuất thông qua các kênh như: quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ cho nông dân quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng việc đưa sản phẩm tham gia các sự kiện lớn của tỉnh, huyện; bày bán ở các cửa hàng bán nông sản của Hội Nông dân tỉnh và các huyện.
Trong năm 2022, Hội Nông dân huyện Tân Uyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 35 lớp đào tạo nghề: trồng, chăm sóc chè, sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi... thu hút 1.060 học viên tham gia. Triển khai giải ngân 9 dự án quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, với tổng số vốn 5.400 triệu đồng. Phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hơn 2.000 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 210 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2023, Hội đã giải ngân Dự án “Trồng và chăm sóc chè” tại xã Nậm Sỏ cho 11 hộ vay với tổng số 670 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác.
Từ những hỗ trợ của Hội Nông dân và sự vươn lên của hội viên, năm 2022, toàn huyện có 774 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ: anh Phan Thanh Quang ở thị trấn Tân Uyên với mô hình trồng cây ăn quả; hội viên Đoàn Văn Kiên với mô hình chăn nuôi, chế biến thực phẩm khép kín (xúc xích, lạp sườn, thịt trâu sấy) cho thu nhập 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm… Với đà phát triển này, năm 2023, sẽ có nhiều hơn số hộ nông dân huyện Tân Uyên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn