Phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa
(BLC) - Những năm trở lại đây, xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng...
Diện tích đất nông nghiệp rộng, bằng phẳng, có nhiều bãi chăn thả là điều kiện thuận lợi để bản Phan Chu Hoa phát triển chăn nuôi ngựa, hiện nay bản có số lượng ngựa nhiều nhất xã Nùng Nàng với 110 con. Các gia đình chăn nuôi ngựa đều xây dựng chuồng trại kiên cố, vào buổi sáng thả ngựa ra cánh đồng chăn thả tập trung của bản, chiều tối lại đưa ngựa về nhốt tại chuồng. Đây là sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức trong chăn nuôi gia súc của người dân nơi đây. Đa số các hộ dân trong bản đều nuôi 2-3 con ngựa, có một số hộ nuôi nhiều từ 9-10 con như gia đình ông Vàng A Giàng, Vàng A Hồ...
Bắt đầu nuôi ngựa từ năm 2016, thời điểm đó anh Vàng A Hồ ở bản Phan Chu Hoa mua 2 con ngựa sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian anh thấy ngựa phù hợp với khí hậu của địa phương, không mất nhiều công chăm sóc, sinh trưởng, phát triển tốt nên anh quyết định mở rộng chăn nuôi. Anh Hồ chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi ngựa được 8 năm nay, tôi thấy nuôi ngựa khá đơn giản, không tốn thời gian chăm sóc. Đặc biệt, sức đề kháng của ngựa tốt, ít dịch bệnh. Nếu như nuôi trâu xuất hiện rất nhiều dịch bệnh như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng nhưng đối với ngựa thì khác, từ nhiều năm nay đàn ngựa của gia đình tôi chưa từng xảy ra dịch bệnh. Chăn nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, trừ các khoản chi phí, mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Cán bộ xã Nùng Nàng hướng dẫn người dân bản Phan Chu Hoa cách chăm sóc đàn ngựa.
Nhiều năm trước, người dân trong bản nuôi ngựa để thồ hàng nên mỗi nhà chỉ nuôi 1 con, được xã tuyên truyền, vận động bà con đã chuyển đổi chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hoá, tích cực chăm sóc, vỗ béo, những con ngựa đẹp, béo tốt, bán ra thị trường với giá thành cao từ 25 - 30 triệu đồng/con. Để chủ động thức ăn cho ngựa, bà con thả ngựa ra cánh đồng để ăn cỏ ngoài tự nhiên, đồng thời trồng cỏ voi và bổ sung thức ăn tinh bột (ngô, gạo) vào các buổi chiều.
Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi ngựa đã giúp cho gia đình ông Vàng A Giàng ở bản Phan Chu Hoa có nguồn thu nhập cao trên 100 triệu đồng mỗi năm. Theo chia sẻ của ông Giàng, ngựa là vật nuôi quen thuộc đối với người nông dân, trước đây nuôi ngựa chỉ để chở ngô, thóc; khi được xã tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của chăn nuôi ngựa, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại kiên cố, duy trì nuôi 10 con. Cùng với đó, tôi vận động các con phát triển chăn nuôi ngựa. Nhờ chăm sóc tốt, đàn ngựa sinh trưởng, phát triển nhanh, ngựa được giá, không lo đầu ra cho sản phẩm, kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng đánh giá: “Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi như bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, không tốn nhiều công chăm sóc, những năm qua, xã định hướng cho nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó chú trọng chăn nuôi ngựa, tập trung tại các bản: Phan Chu Hoa, Xì Miền Khan, Lao Tỷ Phùng. Xã cử cán bộ nông nghiệp xuống trực tiếp các bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn ngựa. Đặc biệt hướng dẫn bà con trồng cỏ voi, chế biến thức ăn thô, xử lý chất thải trong chăn nuôi. Từ đó, đàn ngựa sinh trưởng, phát triển tốt, hiện toàn xã có 160 con, thời kỳ cao điểm lên tới 300 con. Ngựa được bán ra thị trường đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn xã".
Chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hoá đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững ở xã Nùng Nàng. Tin rằng, với sự định hướng đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự chăm chỉ của người nông dân, đàn ngựa của xã sẽ ngày một phát triển, tăng trưởng ổn định, mang lại cuộc sống ngày càng sung túc cho bà con nơi đây.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn