Mr. AnvH

Tả Lèng phát triển đàn gia súc

Thứ sáu - 28/04/2023 10:27

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa. Từ đó, giải quyết việc làm,...

Tả Lèng phát triển đàn gia súc
Tả Lèng phát triển đàn gia súc
Tả Lèng phát triển đàn gia súc

Giữa tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm các bản: Thèn Pả, Phìn Ngan Lao Chải, San Tra Mán và Pho Lao Chải (xã Tả Lèng) khi bà con nơi đây đang phát triển mạnh đàn gia súc thương phẩm theo hướng hàng hóa. Nhiều dãy chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh cạnh vườn cỏ voi non xanh, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhận thức của người dân về nuôi trâu, ngựa quy mô lớn. Người dân nơi đây đã thực hiện nuôi nhốt, vỗ béo trâu, ngựa thương phẩm. Nhiều hộ tận dụng đồi cỏ chăn thả, tối lùa về chuồng chăm sóc, góp phần tăng đàn gia súc nhanh và bền vững. Tư thương đến tận bản đặt mua gia súc với giá ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không ít hộ phát triển đàn gia súc từ 10 - 20 con.
Bà con còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh, giám sát tốt tình hình dịch bệnh. Định kỳ 6 tháng/lần, người dân chủ động phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc đầy đủ. Đến nay, toàn xã có trên 3.200 con gia súc, đạt 110% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 6%/năm. Trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra, người dân phát triển đàn gia súc hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.

Tả Lèng phát triển đàn gia súc

Nông dân xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) phát triển đàn ngựa thương phẩm.

Trước đây, gia đình anh Phàn Chin Phúc ở bản San Tra Mán thường thả rông gia súc, ít phòng, chống dịch bệnh nên vật nuôi tỷ lệ sống thấp, lợi nhuận không đáng là bao. Năm 2015, anh mạnh dạn đề xuất với Hội Nông dân xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi 5 con ngựa, bò sinh sản. Anh xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh môi trường, có bể chứa chất thải chăn nuôi và hệ thống nước rửa chuồng trại. Gia đình anh phân công nhân lực ban ngày chăn dắt gia súc trên đồi cỏ; tối lùa về chuồng bổ sung thêm thức ăn tinh bột, cỏ voi và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ. Năm qua, anh bán 9 con ngựa, 15 con bò, thu trên 200 triệu đồng. Nhờ phát triển mạnh đàn gia súc theo hướng hàng hóa, gia đình anh vươn lên làm giàu chính đáng.
Còn đối với chị Hảng Thị Chang ở bản Tả Lèng Lao Chải, 5 năm gần đây, gia đình chị nuôi nhốt lợn sinh sản, vỗ béo trâu thương phẩm theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng ngày, chị cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh, tinh bột và uống nước muối. Chị Chang tâm sự: “Qua quá trình nuôi, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, trong đó, phải chú trọng tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh (tụ huyết trùng, lở mồm long móng) và cho vật nuôi ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Tư thương đặt mua gia súc thương phẩm tại nhà với giá ổn định, dễ bán, tôi không lo đầu ra cho sản phẩm trâu, lợn thịt. Tôi thấy việc phát triển đàn gia súc thương phẩm tiết kiệm sức lao động, thu nhập khá, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Giàng A Sình - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Xã tuyên truyền, vận động bà con tận dụng toàn bộ quỹ đất vườn cạnh nhà, bờ mương, khe suối trồng cỏ voi, chủ động thức ăn thô xanh cho gia súc. Cử cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn nông dân trồng ngô lai bổ sung thức ăn tinh bột cho lợn, trâu, ngựa; xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố, hợp vệ sinh. Nhờ sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức, bà con trong bản chăn nuôi gia súc thương phẩm hiệu quả”.
Từ phát triển chăn nuôi gia súc thương phẩm góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương bứt phá vươn lên khởi sắc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây