Tam Đường phát huy hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ sản xuất
(BLC) - Phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý khai thác, đảm bảo an...
Những năm gần đây, xã Sơn Bình có những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cây ăn quả ôn đới trên 19ha, thu nhập trên 170 triệu đồng/ha; cây chanh leo 36,5ha năng suất trung bình hàng năm đạt 15 tấn/ha, lợi nhuận sau trừ chi phí 126 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với trồng cây lúa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; cá nước lạnh thể tích nuôi 17.600m3 sản lượng 155 tấn; giá trị thu 23.250 triệu đồng. Có được thành quả này, ngoài sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về cây con giống, phân bón; đặc biệt đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của bà con.
Người dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường thường xuyên khơi thông kênh mương đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Sơn Bình có 10 công trình thủy lợi với 31km (trong đó, đã cứng hóa 19,2km, kênh đất 11,8km) phục vụ tưới tiêu tổng diện tích cây trồng 355ha, trong đó lúa mùa 260ha, thủy sản 10ha, cây màu 85ha phục vụ tưới đạt 90%. Để đảm bảo công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của cấp trên về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; tuyên truyền vận động Nhân dân quản lý, bảo vệ và khai thác tốt các công trình thủy lợi; kịp thời chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình, nhất là trước, trong và sau mưa lũ, lập kế hoạch đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền duy tu, sửa chữa kịp thời các công trình bị hư hỏng, xuống cấp.
Huyện Tam Đường hiện 160 công trình thủy lợi, với tổng số 432,33km mương, phục vụ nước tưới tiêu cho 633,9ha lúa vụ đông xuân, 3.649,65ha lúa vụ mùa, 584,6ha hoa màu và 111,67ha thủy sản. Để khai thác, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi tại địa phương, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu UBND huyện củng cố, kiện toàn 17 tổ thủy nông ở cơ sở. Đồng thời, phối hợp Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu thường xuyên tu bổ, sửa chữa, kiểm tra khắc phục sự cố cho các công trình, hạn chế tình trạng xuống cấp sau thời gian sử dụng. Đồng thời, điều tiết nguồn nước hợp lý theo từng mùa vụ, nhất là thời điểm khô hạn kéo dài, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các công trình thủy lợi.
Năm 2022, bên cạnh việc xây mới 1 công trình thủy lợi, với kinh phí 1 tỷ đồng; huyện đã bố trí nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi để sửa chữa 2 công trình thủy lợi bị hư hỏng, với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, nuôi thủy sản của người dân. Tại các xã, thị trấn chỉ đạo ban quản lý các bản đưa việc bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn nước vào quy ước của bản để Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước.
Nhờ việc kiên cố hóa kênh mương giúp các diện tích lúa của bà con trên địa bàn huyện Tam Đường phát triển tốt.
Khai thác tối đa hiệu quả công trình thủy lợi, các địa phương trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác quản lý an toàn các công trình chứa nước; làm tốt công tác cảnh báo, dự báo, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những hư hỏng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm người dân trong sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là sử dụng hợp lý, tránh lãng phí trong mùa khô và những đợt nắng nóng kéo dài.
Việc quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi trên địa bàn góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn