Vượt nắng thắng mưa, đẩy nhanh tiến độ
Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với tỉnh Lai Châu đi qua huyện Tân Uyên được các đơn vị nhà thầu khẩn trương thi công ngay khi nhận bàn...
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ đi qua 5 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên với chiều dài 36,6km gồm 3 gói thầu xây lắp: XL-04, XL-05, XL-06, trong đó gói thầu XL-05 có chiều dài thi công lớn nhất với 23,2km (km 84+554-km107+757). Có 1.317 hộ gia đình và 21 tổ chức bị ảnh hưởng và dự kiến có 30 hộ phải tái định cư. Đến nay, trên 400 hộ đã nhận tiền đền bù; thực hiện giải ngân được 28,6 tỷ đồng và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được tổng số 24,4km. Các gói thầu do 5 nhà thầu, trong đó gói thầu XL-05 do 3 liên danh nhà thầu: Công ty Cổ phần Công trình giao thông (CTGT) Hải Phòng, Công ty TNHH Hòa Hiệp (Nghệ An) và Công ty TNHH Liên Hợp Xây dựng Vạn Cường (Hà Nội) thi công.
Thời điểm này những năm trước thường xuất hiện những cơn mưa, dù lượng nước không nhiều song độ ẩm cũng ảnh hưởng phần nào đến lượng đất đá. Năm nay thời tiết khô ráo, việc thi công công trình gặp thuận lợi. Vừa qua, chúng đến thăm công trình thi công gói thầu xây lắp số 5 do Công ty Cổ phần CTGT Hải Phòng đảm nhận. Đến nay, các phân đoạn thi công phục vụ cho việc cắt cua, san ủi nền đường, lu lèn đã được hoàn thiện, lộ ra hình hài tuyến đường ở nhiều đoạn. Nhiều vị trí qua địa phận xã Trung Đồng, Pắc Ta, do việc mở rộng mặt đường lượng đất đá tràn xuống khiến cho quá trình tham gia giao thông của một số phương tiện phải tạm dừng cục bộ trong thời gian ngắn. Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đơn vị thi công đã hợp đồng với một số lao động địa phương bố trí ở hai điểm đầu vị trí thi công ra cờ báo hiệu dừng xe đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Văn Quân, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần CTGT Hải Phòng cho biết: Trong quá trình thi công, đơn vị yêu cầu công nhân mặc áo phản quang và áo bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn; đặt biển báo ở hai đầu vị trí thi công, bố trí nhân công dọn dẹp đất đá rơi vãi xuống nền đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
Đơn vị thi công bố trí máy móc, nhân lực san gạt đất đá rơi vãi tại lòng đường, đảm bảo giao thông thông suốt.
Theo chủ đầu tư, hiện đơn vị nhà thầu tận dụng tối đa phần diện tích đã được giao mặt bằng để thi công, trong đó bao gồm vị trí mặt bằng đã được các nhà mạng viễn thông như: Vietel, Vinaphone bàn giao và của các hộ dân đã nhận đền bù. Các đơn vị nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, vật lực để tận dụng thi công những phần việc thường làm vào mùa mưa như: đúc cống, cấu kiện bê tông, rãnh thoát nước... Chiều dài thi công nền đường chiếm tới 16/23,2km nên khi mùa mưa đến, việc thi công nền đường là không thể thực hiện được, do đó nhà thầu đang tận dụng tối đa để thời gian tới tập trung đúc cống và các cấu kiện bê-tông, rãnh nước. Đến nay, đơn vị thi công đã đảm bảo được 5km nền đường.
Anh Bùi Quang Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CTGT Hải Phòng cho biết: Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là nhận được sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương. Không chỉ phối hợp, nắm bắt tình hình, các xã có công trình đi qua còn tham gia giải quyết, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, giúp đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tối đa tiến độ thi công. Bên cạnh đó, nguồn vốn đáp ứng cho thi công cũng luôn sẵn sàng - đây là điều mà đơn vị thi công mong muốn nhất. Hiện tại nhà thầu huy động máy xúc, máy lu thực hiện đào, đắp nền đường, làm ở những vị trí sâu, phức tạp và đào cống ở vị trí có độ dốc cao, có khả năng dồn nước mà mùa mưa không thể làm được. Với những thuận lợi đã có, đơn vị đang thi công nhanh hơn so với kế hoạch và phấn đấu đến hết năm 2023, các đơn vị nhà thầu đạt khoảng 60% tổng khối lượng gói thầu.
Tuy nhiên, giống như nhiều gói thầu đi qua địa phận của các địa bàn khác, tại huyện Tân Uyên cũng đang gặp một số vướng mắc như: một số hộ đã phê duyệt phương án nhưng chưa được chi trả kinh phí (có hộ chưa nhất trí hoặc không có mặt tại địa phương). Tổng số hộ chưa được phê duyệt phương án để chi trả ở các gói thầu còn nhiều, trong khi hiện trạng sử dụng đất có sự sai khác với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến vướng mắc trong việc xây dựng phương án bồi thường. Một số hộ gia đình có cốt nhà bị ảnh hưởng, hoặc nhà nằm gần hành lang đường nhưng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt nên chưa nhất trí với đơn giá bồi thường về đất và tài sản trên đất. Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa được phê duyệt dự toán chi phí thực hiện do UBND tỉnh chưa có hướng dẫn mức trích cụ thể để đảm bảo kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Dẫu còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền; sự chung tay của các cơ quan liên quan, đặc biệt là luôn có sự đồng hành của đơn vị chủ đầu tư; sự năng động, linh hoạt của đơn vị nhà thầu, chắc chắn Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với tỉnh Lai Châu đi qua huyện Tân Uyên sẽ đạt tiến độ đề ra.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn