Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Lai Châu: Cần khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chủ lực
Sáng nay (23/8), Đoàn công tác của Bộ Công Thương do đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong ...

Làm việc với Đoàn công tác, tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Mạnh Hà - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo đại diện các sở, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo tình hình, đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh. Báo cáo nêu rõ, với vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và là “phên dậu” của Tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, tỉnh Lai Châu cũng có nhiều tiềm năng như: Diện tích tự nhiên và mật độ sông suối lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng khoáng sản dồi dào, có cửa khẩu Ma Lù Thàng cùng Khu kinh tế cửa khẩu và nhiều lối mở tiểu ngạch…
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lai Châu đã tập trung cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh để triển khai thực hiện. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, trung bình trong 3 năm (từ 2021-2023) đạt khoảng 3,91%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt khoảng 47,5 triệu đồng, tăng 4,12 triệu đồng so với năm 2020. Trong đó các sản phẩm chủ lực chính của tỉnh là: Về nông nghiệp: Cao su, chè, mắc ca, lúa chất lượng cao, quế, dược liệu..; Công nghiệp: Thủy điện, điện gió, khoáng sản kim loại... Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 3 năm (2021-2023) ước đạt 6.425,9 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo thực hiện, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 đạt 86,29 điểm, xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 79,34%, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 02 hạng so với năm 2021; chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc. An ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh được phê duyệt quy hoạch 160 dự án thủy điện với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15.549 triệu kWh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 86 vị trí có tiềm năng đầu tư các dự án nguồn điện với tổng công suất khoảng 4.094,5MW… và nhiều các tiềm năng về khoáng sản khác.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng đã phát biểu ý kiến trong đó nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản và đề xuất một số nội dung: Xem xét sớm ban hành Văn bản hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cung cấp hồ sơ Quy hoạch điện VIII để UBND tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện; Kiến nghị với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm bố trí vốn cho dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Lai Châu để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 100% các thôn bản và trên 97% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; xem xét ủy quyền cho Sở Công Thương tỉnh Lai Châu thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lai Châu sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng/Việt Nam - Kim Thủy Hà/Trung Quốc; xem xét điều chỉnh giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư…

Các thành viên trong Đoàn công tác cũng đã phát biểu các ý kiến trong đó nêu bật những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó đưa ra các định hướng để giúp tỉnh Lai Châu phát huy được các tiềm năng đó như: Đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ma Lù Thàng, kêu gọi vốn đầu tư trong khai thác khoáng sản, thu hút doanh nghiệp chế biến sâu, xác định các sản phẩm nông sản thế mạnh, chất lượng cao, sản phẩm có tiềm năng, định hướng chiến lược cho tỉnh trong những năm tiếp theo...

Cũng tại đây, đại diện các Tập đoàn, nhà đầu tư phát biểu các ý kiến về các lĩnh vực mà đơn vị đang quan tâm và muốn tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác với tỉnh Lai Châu. Một số đơn vị mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tại tỉnh để có thể đồng hành, phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, là tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, tỉnh Lai Châu có diện tích lớn đứng thứ 10 của cả nước, với nhiều tiềm năng, lợi thế về diện tích, khoảng sản, các sản phẩm nông nghiệp. Trước mắt Lai Châu có những khó khăn về địa hình, giao thông nhưng về tương lai đây vẫn là tỉnh sẽ thu hút được các đầu tư dựa trên những tiềm năng sẵn có với trữ lượng lớn, dồi dào.

Chúc mừng những kết quả mà tỉnh Lai Châu đã đạt được trong những năm vừa qua, nhất là nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, khẳng định tỉnh sẽ phát triển tốt nếu biết phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh thu hút doanh nghiệp vào địa bàn, lấy doanh nghiệp hạt nhân để phát triển nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng cơ hội để trong mắt nhà đầu tư Lai Châu “xa mà gần” nhờ vào lợi thế chính sách, phát triển giao thông và các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Vận dụng tốt một số nội dung trong quy hoạch tỉnh. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Đồng chí đề nghị: Cùng với việc thu hút doanh nghiệp bên ngoài thì cần hỗ trợ, giúp đỡ, có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp nội tỉnh phát triển, hoạt động một cách thực chất, hiệu quả; tiếp tục vận dụng tối đa để khai thác và phát triển cửa khẩu; xã hội hóa các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với lĩnh vực công nghiệp cần khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng. Phát triển công nghiệp dược liệu để tận dụng tối đa lợi thế cây dược liệu của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển nội địa, đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng...



Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã trao tặng những phần quà lưu niệm. Các đơn vị trong Đoàn công tác: Tập đoàn Than và Khoảng sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Sovico và Ngân hàng HDBank... tặng tỉnh Lai Châu 10 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Trước khi vào làm việc, Đoàn công tác đã đi khảo sát tại huyện Tam Đường.


Nguồn tin: laichau.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn